Hiện nay các gia đình ở Trung Quốc rất ưa thích những loại trái cây đến từ Đông Nam Á. Điều này đã tạo nên một cơn sốt tại thị trường Trung Quốc, số lượng các loại trái cây của Đông Nam Á “lên bàn ăn” của Trung Quốc tăng khá nhanh
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc năm 2021, kim ngạch nhập khẩu trái cây của Trung Quốc năm 2021 đạt hơn 15 tỷ USD, trong đó 60% đến từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Campuchia.
Riêng ở Việt Nam, những loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như sầu riêng, xoài, thanh long, dừa,…Từ tháng 10 năm 2022, tỷ lệ sản lượng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc của Việt Nam đã tăng 4128% so với 2021. CEO công ty Vina T&T – Nguyễn Đình Tùng ước lượng trong năm 2023 doanh số xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể tăng lên 1 tỷ USD.
Sự tăng trưởng mạnh như vậy từ trước đến giờ là chưa từng có và dẫn đến không ít tác động cho Thái Lan. Trước sự đe dọa của thị trường sầu riêng Việt Nam, Thái Lan đã đưa ra một chiêu thức kinh doanh mới là cơm sầu riêng của họ sẽ có độ khô 35% chứ không còn là 32% như trước đây. Bởi vì họ hiểu người tiêu dùng Trung Quốc thích ăn sầu riêng khô hơn là bị nhão.
Trong cuộc cạnh tranh về xuất khẩu trái cây thì vũ khí được xem là quan trọng nhất chính là tiêu chuẩn. Vì chỉ có tiêu chuẩn mới làm cho khách hàng nhập khẩu an tâm và bản thân người nông dân từ đó có thể đảm bảo chất lượng ổn định. Chính vì vậy, ở tại Việt Nam cần có những tổ chức chuyên môn về tiêu chuẩn xuất khẩu để kịp thời tư vấn, thông báo những điều kiện xuất khẩu trái cây trên thế giới như thế nào.
Tóm lại, đằng sau việc trái cây Đông Nam Á tăng mạnh trên “bàn ăn” Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và căng thẳng. Và chìa khóa vàng để giải quyết vấn đề chính là tiêu chuẩn và tuân thủ tốt những tiêu chuẩn để có thể đứng vững trong mọi cuộc cạnh tranh nông sản đang hay sắp sửa diễn ra trên thị trường.
Nguồn : 5 phút chuyện thị trường cùng Vũ Kim Hạnh