Từ năm 2004, cây ăn quả có múi (cam, quýt) đã được trồng trên vùng đất Nậm Lạnh (Sốp Cộp), song quy mô còn nhỏ lẻ, chưa trở thành hàng hóa. Để thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Nậm Lạnh đã tập trung phát triển vùng chuyên canh các loại cây ăn quả có múi.
Thực tế, cây ăn quả có múi tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này, sản phẩm thơm ngon, giá trị kinh tế cao. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Lạnh đã vận động bà con chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi tập trung theo vùng, hình thành các vùng chuyên canh, bước đầu thay đổi phương thức canh tác của người dân, xây dựng thương hiệu cam, quýt Nậm Lạnh. Xã đã xây dựng kế hoạch quy hoạch 4 vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp là các bản Lọng Tòng, Phổng, Mới, Púng Tòng, tổng diện tích 60 ha; tập trung nguồn lực xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, kỹ thuật... Ngoài cử cán bộ khuyến nông theo dõi, bám sát các mô hình, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật chiết, ghép cây, Nậm Lạnh còn liên hệ với Viện Nghiên cứu rau củ quả Hà Nội hướng dẫn các kỹ thuật chuyên sâu, cải tạo, thâm canh cây ăn quả có múi, phương pháp bón phân hiệu quả trên đất dốc; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân chuồng, phân bón hóa học đúng cách; tư vấn bà con đầu tư hệ thống tưới nước tự động; tuyên truyền các chính sách hỗ trợ thành lập HTX, vận động người dân liên kết để hình thành các chuỗi sản xuất... Tới thời điểm này, toàn xã đã có 50,6 ha cây ăn quả có múi (20,6 ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 150 tấn).
Dọc tuyến đường vào xã Nậm Lạnh, qua các bản Phổng, Mới, Púng Tòng, Lọng Tòng đâu đâu cũng thấy những hàng cây ăn quả thẳng tắp, thay thế cho những nương sắn trước đây. Bản Phổng là nơi cây quýt được đưa về trồng đầu tiên ở xã, bản có 120 hộ thì có tới ¼ số hộ chuyển sang trồng cây ăn quả có múi; cả bản có 20,4 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam, quýt (hơn 13 ha đã cho thu hoạch, năng suất 6,5 tấn/ha/năm). Anh Lò Văn Sơn, một trong nhiều hộ dân bản Phổng có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả có múi, kể: Bố mẹ tôi trồng cam, quýt từ những năm 2000. Đến năm 2007, thấy cam, quýt được giá, tôi trồng thêm 400 cây cam và 300 cây quýt. Từ đó đến nay, năm nào cũng thu được khoảng 5-7 tấn quả, thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng/năm. Được xã hỗ trợ kỹ thuật, năm nay tôi trồng thêm 1.000 cây cam và 140 cây quýt theo tiêu chuẩn sạch trên 2.000 m2 đất chuyển đổi từ đất trồng sắn trước đây.
Bản Lọng Tòng cũng được xã quy hoạch vào vùng chuyên canh cây cam, quýt. Hiện, cả bản có 9,4 ha cây ăn quả có múi chủ yếu là quýt, hơn 7 ha đã cho thu hoạch, sản lượng 6 tấn/ha. Trong bản có nhiều hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ chuyên canh cây ăn quả có múi như gia đình các ông: Tòng Văn Thoại, Vì Văn Thuận, Tòng Văn Thị, Vì Văn Mầng, Tòng Văn Panh…
Trao đổi với ông Tòng Văn Piêng, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết: Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, xã còn huy động các nguồn vốn từ những chương trình, dự án như 30a, 135, nông thôn mới để xây dựng các mô hình trồng cam, quýt; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ hơn 2.000 cây cam cho 23 hộ từ nguồn vốn chương trình 30a, hỗ trợ trồng mới 4,3 ha cam thuộc chương trình 135 tại các bản Púng Tòng, Mới, Phổng, Lạnh, Cang... Nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, người dân trong xã còn liên kết với HTX Nam Phượng (Sốp Cộp), HTX Duy Lợi (Mường Và) để tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, xã cũng tăng cường giám sát tốc độ thi công nâng cấp tuyến đường đi cửa khẩu Lạnh Bánh, lập phương án xuất khẩu cam, quýt Nậm Lạnh sang nước bạn Lào.
Phát triển vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả có múi ở Nậm Lạnh đang là hướng đi giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Nguồn : Báo Sơn La